Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) vừa hoàn thành đồ án thiết kế quảng trường quanh thành Điện Hải nằm tại vị trí phường Thạch Thang và phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu).
Thiết kế của Viện Kiến trúc quốc gia nghiên cứu khu vực 10ha với phía bắc giáp đường Lý Tự Trọng, phía nam giáp đường Quang Trung, phía đông giáp sông Hàn, phía tây giáp đường Nguyễn Chí Thanh. Thiết kế xác định, thành Điện Hải là trung tâm của quảng trường.
Phía tây Thành Điện Hải tăng tính kết nối với không gian và khu dân cư cũ. Các tuyến đường được nâng cấp cải tạo, bổ sung hệ thống cây xanh đường phố và cây xanh cảnh quan. Các đường kiệt, hẻm khu dân cư phía tây thành Điện Hải được tổ chức cảnh quan sinh động như vẽ tranh bích họa, bố trí giàn hoa, treo hoa cây cảnh.
Hình thành các trục đi bộ và kinh doanh giải khát. Vỉa hè các tuyến đường được lát gạch bằng các loại vật liệu trang trí có tính hấp dẫn, nhưng hiện đại; bố trí ghế ngồi ngắm cảnh…
Khu vực phía đông ven sông Hàn có không gian điểm nhấn cảnh quan kết nối sàn cầu cảng Sông Hàn (cũ) đến cuối đường Quang Trung. Đưa công trình bến du thuyền đang xây dựng vào không gian quảng trường.
Đưa mặt đường Bạch Đằng và Trần Phú đoạn từ Quang Trung – Lý Tự Trọng vào mặt cắt quảng trường qua tổ chức lại giao thông. Hình thành không gian quảng trường chính trên toàn bề mặt khu vực phía đông thành Điện Hải đến sàn cảnh quan tiếp giáp sông Hàn, lấy Trung tâm Hành chính thành phố, khách sạn Novotel làm công trình cao tầng điểm nhấn cho quảng trường.
Trước đó, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị khu vực xung quanh Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải do Viện Kiến trúc quốc gia lập. Mục tiêu của nhiệm vụ thiết kế đô thị khu vực quanh Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải là nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng không gian kiến trúc cảnh quan khu vực đô thị Thành Điện Hải, đảm bảo bảo tồn giá trị lịch sử, khai thác các giá trị đương đại, đảm bảo công năng sử dụng và tổ chức giao thông hợp lý, khoa học.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả về kinh tế xã hội, hiệu quả sử dụng đất, môi trường sống và tiện ích công cộng, là cơ sở để quản lý xây dựng và triển khai các dự án đầu tư, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực nghiên cứu.
Các yêu cầu nghiên cứu lập thiết kế đô thị bao gồm: xác định các khu vực quảng trường, công cộng đặc thù; nghiên cứu phương án tổ chức giao thông, đề xuất thiết kế các hệ thống trang thiết bị hạ tầng, chiếu sáng đô thị và các công trình tiện ích đường phố và xác định các tác động với môi trường xã hội trong khu vực.
Được biết, ngày 29/3/2018, UBND TP Đà Nẵng đã đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải và khởi công Dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích (giai đoạn 1).Di tích đặc biệt cấp quốc gia thành Điện Hải được công bố theo Quyết định số 2082/QĐ-TTg ngày 25/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 29/3/2018, TP Đà Nẵng đã khởi công thực hiện “Dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích giai đoạn 1” với kinh phí 102,7 tỷ đồng.
Theo Nhịp sống kinh tế